Trước hiện trạng rất nhiều cuốn sách bị dịch ẩu, dịch sai như hiện nay, nếu nhìn bằng con mắt "vui tươi màu hồng", thì có thể sẽ phải nghĩ, biết đâu, nhờ vậy, với những ai vẫn còn tình yêu với sách, lòng ham kiến thức, chữ nghĩa, ắt sẽ quyết chí học ngoại ngữ để đọc sách nước ngoài bằng nguyên bản.
Một phần trong 20 cuốn sách của Kahlin Gibran do Cty sách Thời Đại và NXB Văn học ấn hành.
Còn giả như nhìn sự thực này bằng con mắt bi quan, cố tìm cách lý giải nguyên nhân, có thể sẽ dùng một cụm từ nghe chừng "vu khoát" - do "lỗi hệ thống của tư duy"…
1. Cty sách Thời Đại (TP. HCM) kỷ niệm 25 năm thành lập bằng việc hợp tác cùng NXB Văn học ấn hành 25 cuốn của Kahlin Gibran - "thi sĩ ngôn sứ, người có sách được đọc nhiều hàng thứ ba qua mọi thời, sau Shakespeare và Lão Tử". Bộ sách đã được giới thiệu ra mắt tại hội sách tổ chức vào tháng 3 vừa qua ở TP. HCM.
Đối với những độc giả ưa thích hay chịu khó đọc sách minh triết, đây quả là một món quà tinh thần! Cảm quan ban đầu về hình thức, bộ sách được in trên giấy trắng bóng đẹp, các cuốn sách đều có minh họa là các tranh của Kahlin Gibran...
Trong phần phụ lục ở bộ sách trên đều có nói tới một ý, ở VN, các tác phẩm của Kahlin Gibran đã được dịch rải rác từ thập niên 70 thế kỷ trước với tên tuổi một số dịch giả ở miền Nam... Vào năm 1992, NXB Hội Nhà văn trong tủ sách "Tinh hoa" có ấn hành cuốn "Nhà tiên tri" (Châu Diên dịch và giới thiệu). Với nỗi hoài nhớ nào đó, có thể có bạn đọc sẽ thấy, cuốn "Nhà tiên tri" in trên giấy vàng ngà, kể cả cách trình bày, khổ sách tuồng như thích hợp hơn với ngôn từ nhiều chất "huyền" của ông.
Hẳn nhiên, dù có tác động đến giác quan người đọc tới mấy, thì chuyện "giấy má" - hình thức, cũng không thể quan trọng bằng nội dung - các con chữ. Bộ sách do Nguyễn Ước dịch đều theo nguyên bản tiếng Anh, còn bản dịch "Nhà tiên tri" hầu hết dựa theo bản tiếng Anh và tiếng Pháp.
Tất nhiên, có sự khác biệt nhất định giữa hai bản dịch tiếng Việt - một từ tiếng Anh và một từ tiếng Pháp. Bỏ qua phần phiên âm tên nhân vật, ngay trang đầu cuốn "Giêsu con của con người" (bản dịch Nguyễn Ước) và "Jésus con trai của người" (bản dịch từ tiếng Pháp) đã có những sai biệt, có thể nói, dẫn đến sự khiếm khuyết kiến thức cho người đọc: Ví dụ nhỏ, trong chương đầu có một từ nói về người Pharisees, trong bản dịch của Nguyễn Ước phiên âm là "người Pharisêu" (Biệt phái), còn bản dịch của Châu Diên là "lũ thầy tu hổ mang". Thử tra cứu nhanh theo mạng Wikipedia, thì việc dịch từ (giới) Pharisees theo lối "Việt hóa" (và có thể là cả bao quát ý) là " lũ thầy tu hổ mang" là không ổn... So sánh hai cuốn, còn nhiều điểm sai biệt khác.
Song, liệu có thể tin hoàn toàn vào các bản dịch của Nguyễn Ước? Tra mạng, trong một website, có đề PhongVu’site, có bài viết từ 3 năm trước góp ý với ông Nguyễn Ước về việc dịch giả này đã hiểu lầm, dịch sai những điểm sinh tử trong một bài diễn văn quan trọng đọc năm 1929 ở Hà Lan của Jiddu Krishnamurti - một tác gia, nhà diễn thuyết về các vấn đề triết học và tinh thần. Vậy là, dù ít nhiều, đành phải treo lơ lửng nỗi nghi hoặc về chất lượng bản dịch tác phẩm của Kahlin Gibran của ông Nguyễn Ước...
2. Ngày 17.4, trang mạng Vietnamnet có bài viết của một người ký tên là Tùy Phong về vấn đề dịch ẩu, sai hiện nay. Đề cập tới việc dịch cuốn "Lolita" của nhà văn gốc Nga V.Nabokov, người viết có dẫn chứng cụ thể về việc dịch giả Dương Tường đã dịch quá sát ngôn từ của Nabokov, nên có câu văn tối nghĩa trong tiếng Việt. Nabokov viết "Lolita" bằng tiếng Anh, sau đó, ông dịch lại ra tiếng mẹ đẻ - tiếng Nga.
Với những ai đã đọc bản tiếng Nga, nếu đọc bản dịch "Lolita" thì lại thấy, có nhiều chỗ, ngôn từ được dịch thoáng, xa Nabokov đến độ, người đọc có cảm giác, ngôn từ của Nabokov đã bị thêm thắt, vần vò tới độ mang hoàn toàn "hơi thở" của người dịch.
Nabokov chưa được dịch nhiều ở VN. Nếu ai đã đọc ông bằng tiếng Nga, bằng tiếng Việt (ví dụ qua bản dịch tiếng Nga như cuốn "Tiếng cười trong bóng tối") và bản dịch "Lolita" từ tiếng Anh, qua văn phong bản dịch, bản gốc, có cảm giác, có tới những ba ông Nabokov. Những mộng mị trong ngôn từ của Nabokov bị biến mất ít nhiều trong bản dịch...
Đọc sách nói riêng và thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật nói chung, thông thường đi qua các bước: Đón nhận, cảm nhận, tiếp nhận và chấp nhận. Những ký ức, cảm xúc ban đầu dấy lên khi thưởng thức lần đầu tác phẩm, rất quan trọng và có thể theo con người ta suốt cuộc đời. Vấn đề "Việt hóa" ra sao trong việc dịch thuật cho phù hợp "tai nghe" của bạn đọc Việt chắc hẳn còn gây nhiều tranh luận.
Đọc một cuốn sách dịch có thể bằng trái tim, nhưng dịch sách không là vấn đề lương tâm, mà là lý trí. Kiến văn về xã hội, lịch sử của thế giới bị truyền đạt lại mà sai lệch, cũng tai hại...
Thùy Ân
Nguồn: Lao động