Văn học thời mở đất Bộ di cảo quan trọng Văn học miền Nam lục tỉnh của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu vừa ra mắt bạn đọc hai tập đầu, trong đó tập hai - Văn học Hán Nôm thời khai mở và xây dựng đất mới - là đề tài khó thực hiện đối với bất kỳ ai muốn nghiên cứu ngọn ngành về văn chương ở vùng đất Nam bộ này.
Khó thực hiện bởi mặc dù Nam bộ là "đất mới" so với lịch sử hình thành cương vực lãnh thổ nước nhà, nhưng mảnh đất này lại chịu quá nhiều biến động: chiến tranh, thiên tai, xáo trộn xã hội... trong khoảng vài trăm năm kể từ khi người Việt mở đất định cư ở đây.Cho nên, cách thức ra đời, tồn tại và hình thành một đời sống văn học trong dòng chảy của lịch sử Nam bộ cũng chứa đựng nhiều đặc biệt, mà giai đoạn đầu tiên với những manh nha bắt nguồn khi các nhà nho đem chữ từ miền Trung, Bắc theo các đoàn lưu dân vào Nam, rồi chữ nghĩa bén mầm trên đất đồng bằng trũng ngập, trong những làng mạc đơn sơ ra sao, những tài liệu ấy lâu nay mờ nhạt lắm. Thật đáng quý khi trong số các nhà khảo cứu văn học ở Nam bộ có tác giả Nguyễn Văn Hầu đã dành tâm huyết của mình soạn bộ sáchVăn học miền Nam lục tỉnh. Theo ghi nhận của người trong giới, bản thảo bộ sách này được tác giả nỗ lực hoàn thành trong thời gian thọ bệnh cuối đời, và đây là lần đầu tiên Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu với công chúng theo thỏa thuận tác quyền với gia đình tác giả. 2. Đọc văn Nguyễn Văn Hầu, dù là công trình khảo cứu, cũng thấy được cách diễn đạt nhẹ nhàng, bình dị, và tiếp cận vấn đề theo hướng làm sao để dễ chia sẻ với mọi người, khác với các công trình mang tính hàn lâm có mật độ thuật ngữ dày đặc. Cho nên, văn học Hán Nôm thời kỳ đầu mở đất Nam bộ là nội dung nghe qua đã thấy khó thu hút được công chúng. Nhưng vì Nguyễn Văn Hầu bắt đầu bằng những giới thiệu ít nhiều gây hiếu kỳ "Văn học Hán Nôm thời khai mở đất mới", có cái gì gợi nhớ đến lịch sử Nam tiến "đi mở cõi" của dân tộc trong mấy chữ "khai mở đất mới", mà vốn dĩ bấy lâu cái hình ảnh mở đất này thường ít được nhắc đến song hành với chữ nghĩa. Và khi lần theo tác giả, thấy cách phân kỳ văn học: 1/ thời trước nhà Nguyễn và 2/ kể từ khi Gia Long lên ngôi, cũng là một hướng tiếp cận thuyết phục. Từ đó mọi người mới thấy được những nỗ lực mang tính chính thống và giá trị của các khoa thi do các chúa Nguyễn tổ chức từ trong phủ chúa. Có thể nói ý thức học hành và nhận thức về đào tạo người tài bằng hệ thống khoa cử của người miền Nam từ cấp lãnh đạo cao nhất đến lớp thứ dân đã hình thành từ đó. Những trình bày theo cách hệ thống một giai đoạn văn học sử "Văn học Hán Nôm từ Gia Long đến đầu cuộc chiến Việt - Pháp" với các nội dung: Sinh hoạt văn học trong dân gian, Cơ sở học vấn của chánh quyền, Việc thi cử trên đất Gia Định, Thực trạng văn học khoảng đầu thế kỷ 19, chính là những nét sơ thảo quý giá của một giai đoạn văn học mà không phải ai cũng đủ tư liệu lẫn kiến thức, niềm tin để chấp bút. 3. Một thú vị nữa từ bộ sách này là tác giả có ý viết riêng về một số tác gia quan trọng: thời chúa Nguyễn có phần viết về Võ Trường Toản, thời nhà Nguyễn có Trịnh Hoài Đức, Đoàn Minh Huyên, Phan Thanh Giản, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt. Đặc biệt với lợi thế về các sưu tập tư liệu liên quan đến các trào lưu tín ngưỡng bản địa vùng lục tỉnh, nên phần viết về văn chương của Đoàn Minh Huyên - người được tôn xưng là phật thầy Tây An - là tập hợp các trước tác quan trọng của tác giả này mà lâu nay vì nhiều lý do, ít có công trình nào nghiên cứu khảo sát cho tường tận. LAM ĐIỀN (Nguồn: Tuổi Trẻ)
|