www.xbook.com.vn
ĐT: - Email: info@xbook.com.vn
SIÊU THỊ SÁCH TRỰC TUYẾN XBOOK
ĐC: Số 46 ngõ 897 Giải Phóng, Q.Hoàng Mai, Hà Nội


CHIẾC NÔI ƯƠM HẠT GIỐNG TÀI NĂNG - Phương pháp 0 Tuổi (Dành cho trẻ từ 0-6 tuổi)

Tác giả: Phùng Đức Toàn
Nhà xuất bản: Lao động Xã hội
Giá bìa:79,000
Giá bán:79,000
Năm xuất bản: Quý IV / 2009

Chiếc nôi ươm hạt giống tài năng - Phương pháp 0 Tuổi (Dành cho trẻ từ 0-6 tuổi) đã hình thành nên một hệ thống lý luận và phương pháp luận mới trong giáo dục ngay từ giai đoạn sớm....

Chiếc nôi ươm hạt giống tài năng - Phương pháp 0 Tuổi (Dành cho trẻ từ 0-6 tuổi) đã hình thành nên một hệ thống lý luận và phương pháp luận mới trong giáo dục ngay từ giai đoạn sớm. Quan điểm phải nhận thức lại về trẻ nhỏ, thuyết khai phát trí tuệ tiềm ẩn, thuyết tính cách là hàng đầu, lý luận về ngôn ngữ thị giác và học thuyết về thời kì tốt nhất để tạo nên "hai sinh mệnh" ... được đưa ra trong cuốn sách sẽ mang lại cho độc giả một cách nhìn nhận hoàn toàn mới mẻ. Không những vậy, những quan điểm như "dạy trong cuộc sống, học trong các trò chơi" và "chơi mà học, học mà chơi cũng rất khả thi.
Cuốn sách được viết với văn phong rất sinh động, hấp dẫn với những ví dụ thực tế phong phú, ý tứ sâu sắc mà lời văn lại giản dị, dễ hiểu và phù hợp với mọi đối tượng độc giả và đặc biệt rất hữu ích với các bậc cha mẹ và những người làm công tác giáo dục sớm cho trẻ.

Trích đoạn sách hay:

"...Mấy ngàn năm nay, phần lớn các bậc cha mẹ đều biết cách làm thế nào để con mình có được một cơ thể khoẻ mạnh, phát triển tốt. Họ luôn cố gắng cung cấp cho con một nguồn dinh dưỡng hợp lý, sự vận động vừa phải, tăng cường bảo vệ sức khoẻ, phòng và trị bệnh, để con khoẻ mạnh và phát triển tốt.
Tuy nhiên, rất nhiều người làm cha mẹ không có chút kiến thức nào về sức khỏe tâm lý - "sinh mệnh thứ hai" của con. Tâm lý không thể nhìn hay sờ thấy được. Do đó, những vấn đề như phát triển trình độ tâm lý, đảm bảo sức khoẻ tâm lý... thì không phải ai cũng thấy được. Đôi khi, một số phương pháp giáo dục lại làm tổn hại tới tâm lý của con trẻ, từ đó gây ra kết quả trái ngược với niềm mong mỏi mà tự bản thân người giáo dục không cảm nhận được. Ví dụ, hi vọng con thông minh thì con lại trở nên ngốc nghếch, muốn con có chí tiến thủ thì lại chôn vùi sự tự tin của con, muốn con nổi trội hơn người thì lại khiến con trở nên yếu đuối bất lực, mong mỏi con mang đến niềm hạnh phúc cho gia đình thì không ngờ rằng mình đã vất vả ủ nên chum rượu đắng... Đây là những thực tế mà chúng ta có thể nhìn thấy được, là sự hối tiếc và đau khổ lớn nhất của cả một đời người!
Vì vậy, cha mẹ nhất định phải nắm được kiến thức về tâm lý học để tự bản thân có thể thấy rõ trình độ phát triển tâm lý của con như việc trông thấy chúng có khoẻ mạnh, làn da có hồng hào, người có cao, tinh lực có dồi dào, có mắc bệnh hay không. Cha mẹ cũng cần hiểu một cách cơ bản về tâm hồn đang thay đổi của con. Trên cơ sở đó mới có thể tiến hành giáo dục có phương hướng và tận tâm bồi dưỡng tốt tâm lý của con, tránh sự gò ép hay làm tổn hại tới sự phát triển "sinh mệnh thứ hai" của con trẻ.
Thực ra, hiện tượng tâm lý của con người tuy không thể nhìn hay sờ thấy được song rất dễ cảm nhận được. Những nơi có con người sinh sống, ở đó sẽ có các hiện tượng tâm lý, vì hàng ngày mỗi người đều giao lưu tâm lý của mình với tâm lý của người khác. Thậm chí, ngay cả trong lúc ngủ khi phần lớn các hoạt động tâm lý đã tạm ngừng, nhưng con người vẫn có thể mơ. Mơ cũng chính là một hiện tượng tâm lý.
Tinh thần của con người là một nguồn sức mạnh to lớn, lớn hơn nhiều sức mạnh thể lực mà cơ thể có thể sản sinh ra. Nó có thể nhận thức và cải tạo thế giới, chinh phục trái đất và vũ trụ, khiến con người trở thành tối linh của vạn vật. Hơn nữa, sức mạnh này dường như là vô tận, không bao giờ có thể khai thác hết. Các nghiên cứu về tâm lý học cũng như não khoa cả trong và ngoài nước đều cho rằng, chỉ tính riêng trí tuệ trong "khả năng tâm lý", hiện nay, một người bình thường chỉ có thể khai thác được từ 3%~10%, một phần rất lớn trong khả năng tâm lý của con người vẫn còn bị "lãng quên". Sức mạnh nhân cách của tâm lý có thể khiến con người trở nên vĩ đại, có khả năng thúc đẩy tiến trình lịch sử; song cũng có thể khiến con người trở thành kẻ thừa thãi, thậm chí là mang tai họa cho cả xã hội.
Vì vậy, giáo dục sớm không thể xem nhẹ sự trưởng thành và phát triển tâm lý của trẻ. Giáo dục, ngoài việc để trẻ có được một cơ thể khoẻ mạnh và tự do phát triển thể lực ra, điều quan trọng hơn là phải kích thích sự trưởng thành toàn diện về mặt tâm lý của trẻ để chúng có được trình độ tâm lý vượt mức bình thường, sau này có thể trở thành một con người vĩ đại giàu trí tuệ và lòng nhân ái. Do đó, các bậc phụ huynh nhất thiết phải biết được những kiến thức thông thường về tâm lý học, điều này còn quan trọng hơn nhiều so với việc học các kiến thức về thực phẩm dinh dưỡng và bảo vệ sức khoẻ. Bởi lẽ những kiến thức về thực phẩm dinh dưỡng và bảo vệ sức khoẻ đã tương đối phổ cập trong xã hội, các bệnh viện, các trung tâm bảo vệ sức khoẻ. Nhưng về phương diện giáo dục tâm lý, vẫn còn một khoảng trống lớn trong xã hội và còn rất nhiều điều chưa được sáng tỏ. Trong bối cảnh đó, để bồi dưỡng nên những nhân tài có tố chất cao (chủ yếu là chỉ những con người có tố chất và trình độ tâm lý cao), làm sao chúng ta không thể tìm hiểu về tâm lý học? Nếu chỉ như "thầy bói xem voi", rất có thể chúng ta sẽ dẫn dắt con trẻ đi vào con đường lầm lạc.
Dưới đây, tôi xin giới thiệu một chút kiến thức cơ bản về tâm lý học và phát triển trình độ tâm lý của trẻ nhỏ. Tuy đây còn là những kiến thức vụn vặt, thô sơ, đơn giản, ít ỏi và yếu ớt song chúng cũng có thể giống như những con đom đóm lập lòe chiếu sáng từng bước đi của các em nhỏ, giúp các em bước đi vững chãi, tự tin và đầy lạc quan. Các bậc phụ huynh cũng có thể "mượn" chút ánh sáng của nó, soi đường để tiếp tục đi tìm "ngọn đèn" tâm lý học..."