www.xbook.com.vn
ĐT: - Email: info@xbook.com.vn
SIÊU THỊ SÁCH TRỰC TUYẾN XBOOK
ĐC: Số 46 ngõ 897 Giải Phóng, Q.Hoàng Mai, Hà Nội


LŨY HOA

Tác giả: Nguyễn Huy Tưởng
Nhà xuất bản: Kim đồng
Giá bìa:42,000
Giá bán:42,000
Năm xuất bản: Quý III / 2010

Phải nói đến một sức làm việc khủng khiếp ở Nguyễn Huy Tưởng trong giai đoạn cuối này, giai đoạn gần như ông đã dồn tụ tất cả sinh lực và tâm lực cho đề tài kháng chiến của quân dân Thủ đô; cho một Hà Nội không lúc nào không bám chắc trong tâm tưởng ông trên suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, từ những truyện và kịch lịch sử viết trước 1945, như Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì…

Thảo xong Sống mãi với Thủ đô, tập I, về ba ngày đêm Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng viết xen Lũy Hoa, và kết thúc truyện phim này vào ngày 15-6-1959, khi căn bệnh hiểm trong mình đang phát lộ, để chỉ hơn một năm sau, ngày 25-7-1960 thì nhà văn qua đời.
Phải nói đến một sức làm việc khủng khiếp ở Nguyễn Huy Tưởng trong giai đoạn cuối này, giai đoạn gần như ông đã dồn tụ tất cả sinh lực và tâm lực cho đề tài kháng chiến của quân dân Thủ đô; cho một Hà Nội không lúc nào không bám chắc trong tâm tưởng ông trên suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, từ những truyện và kịch lịch sử viết trước 1945, như Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì… qua kịch Những người ở lại viết về những người Hà Nội đồng thời với ông, vào đầu cuộc kháng chiến chống Pháp… Và đến bây giờ mới là lúc ông có thể nhìn lại Hà Nội trong những nét vừa rành rõ nhờ vào một khoảng lùi thời gian, vừa thoáng chút sương mù của hoài niệm và lịch sử…
Đọc Lũy Hoa, ấn tượng đậm nét nhất là sự chan hòa, sự giao thoa giữa cái dữ dội, kịch liệt của chiến đấu, với cái hào hoa rất riêng của người Hà Nội. Một cái riêng, có ý nghĩa như là sự tự ý thức về sứ mệnh đại diện cho cái chung của đất nước, của người Hà Nội. Nếu có một biểu tượng gây ấn tượng nhất trong Lũy Hoa, đó trước hết là những lỗ tường, thông từ nhà nọ sang nhà kia; chỉ cần chui qua các lỗ tường, là được biết gần như toàn bộ chân dung sinh hoạt và chân dung tinh thần của người Hà Nội. Những lỗ tường làm gắn nối ý chí chiến đấu cũng đồng thời xóa bỏ mọi ngăn cách, phân biệt giữa các tầng lớp cư dân, khi cuộc sống bình thường bỗng chuyển sang những giờ phút căng thẳng, đầy kịch biến. Và sau các lỗ tường là những chướng ngại vật, chất cao trên khắp các đường phố, gồm những cột điện, tủ, bàn, giường, ghế, xe ba gác, xe bò, xích lô, cùng với tất cả những gì có trong mỗi căn nhà, sau mỗi biển hiệu, mà người dân không thể mang theo, và cũng không muốn để cho địch sử dụng… Việc đặc tả hai biểu tượng này quá đã đem lại cho Lũy Hoa những trang hay; ai không sống, không chứng kiến với tất cả xót xa, thương quý và tự hào về Hà Nội, khó viết được những trang như thế.
Trong cố gắng tạo dựng những xung đột, cả bên ngoài và bên trong, trong khả năng chuyển cảnh linh hoạt, Lũy Hoa rất xứng đáng được dựng thành phim. Tiếc là Nguyễn Huy Tưởng chỉ mới được đọc bản in thử truyện phim trên giường bệnh, còn khán giả mà ông nhắm tới thì đến nay vẫn đành tạm bằng lòng là… độc giả. Nhưng, như một nghịch lý, Lũy Hoa – truyện phim lại có sức hấp dẫn riêng của một tác phẩm để đọc. Ngót 50 năm đã qua, bên cạnh Sống mãi với Thủ đô mới chỉ có Tập I, Lũy Hoa vẫn là sự bù đắp cho những gì còn trống thiếu ở Sống mãi với Thủ đô để cho ta một phác thảo toàn cảnh 60 ngày đêm Hà Nội quyết tử trong chiến đấu cho Tổ quốc quyết sinh. Để bảy năm sau, những người đã rút ra khỏi vòng vây Hà Nội – Liên khu I mùa Đông 1946, sẽ tham gia vào đại quân bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 56 ngày đêm của mùa hè 1954, chuẩn bị cho mùa Thu – Tháng 10, Hà Nội đón đoàn quân trở về giải phóng, trong hạnh phúc đoàn tụ và niềm vui vĩnh viễn Tự do.