www.xbook.com.vn
ĐT: - Email: info@xbook.com.vn
SIÊU THỊ SÁCH TRỰC TUYẾN XBOOK
ĐC: Số 46 ngõ 897 Giải Phóng, Q.Hoàng Mai, Hà Nội


SỔ TAY TỪ NGỮ LÓNG TIẾNG VIỆT

Tác giả: Đoàn Tử Huyến - Lệ Thị Yên
Nhà xuất bản: Công an Nhân dân
Giá bìa:45,000
Giá bán:45,000
Năm xuất bản: Quý I / 2008

Cuốn sách Sổ tay từ - ngữ lóng Tiếng Việt vừa được Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây  kết hợp với Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành trong quý I năm 2008. Giáo sư, Tiến sỹ Ngôn ngữ học Nguyễn Như Ý đánh giá cao cuốn sách này: Đây “là một đóng góp rất đáng quý cho mọi người và cho các nhà ngôn ngữ học. Có thể nói, từ trước đến nay đây là cuốn sách tập hợp được nhiều nhất vốn từ ngữ lóng trong tiếng Việt với lời giải nghĩa khá thỏa đáng...

Cuốn sách Sổ tay từ - ngữ lóng Tiếng Việt vừa được Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây  kết hợp với Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành trong quý I năm 2008. Giáo sư, Tiến sỹ Ngôn ngữ học Nguyễn Như Ý đánh giá cao cuốn sách này: Đây “là một đóng góp rất đáng quý cho mọi người và cho các nhà ngôn ngữ học. Có thể nói, từ trước đến nay đây là cuốn sách tập hợp được nhiều nhất vốn từ ngữ lóng trong tiếng Việt với lời giải nghĩa khá thỏa đáng”.
Từ xưa đến nay, tiếng lóng luôn là một thứ ngôn ngữ có sức hấp dẫn đặc biệt. Xin đơn cử ví dụ. Trong ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ, có lẽ từ “chuối” là một trong những từ được dùng nhiều nhất. Từ “chuối” cách đây vài năm, không biết từ đâu và vì lý do gì xuất hiện trong giới trẻ với nét nghĩa mới toanh là dở hơi, ngớ ngẩn, vớ vẩn, linh tinh... Nó nhanh chóng được giới trẻ chấp nhận và sử dụng thường xuyên một cách thích thú. Từ “chuối” còn có nhiều biến tấu đa đạng để tăng sức mạnh biểu cảm của nghĩa như: củ chuối.com, chuối cả nải/buồng/vườn/rừng... Ví dụ: Khiếp, em hoa khôi này trả lời ứng xử không phải chuối cả buồng mà là chuối cả rừng!
Mặc dù bị coi là một thứ ngôn ngữ phi chính thống, phi chuẩn mực nhưng tiếng lóng có một đời sống vô cùng sôi động. Chưa có một thống kê nào về việc trung bình một ngày một người dùng bao nhiêu từ lóng, hoặc tần số xuất hiện của từ lóng trên báo chí, nhưng chỉ cần nghe ngóng quan sát cũng biết là số lượng không nhỏ. Vì sao tiếng lóng được dùng nhiều đến vậy? Có nhiều lý do như để bí mật, hoặc để nói tránh đi những từ tế nhị... Nhưng đặc biệt là vì dùng từ lóng thú vị hơn, giàu sắc thái biểu cảm hơn hẳn những từ nghiêm chỉnh. Ví dụ nói Em kia hàng họ ngon quá! sẽ tạo khoái cảm ngôn ngữ hơn hẳn là nói Cô gái kia ngực cao eo thon hông nở.  Chính vì vậy, từ lóng được nhiều tầng lớp xã hội sử dụng, được những người viết đưa vào tác phẩm văn học, báo chí của mình như một phương tiện tu từ học nhằm phản ánh sinh động đời sống xã hội và tính cách nhân vật, làm tăng giá trị biểu đạt của tác phẩm, đặc biệt là trong xu hướng dân chủ hóa mọi hoạt động xã hội.
Tóm lại, tiếng lóng luôn là một lĩnh vực không dễ tiếp cận đối với các nhà ngôn ngữ nên việc nghiên cứu còn nhiều hạn chế. Toàn bộ vốn liếng khảo cứu chuyên luận về vấn đề này, chất lượng chưa nói, về số lượng thì chỉ mới có cuốn Từ lóng Việt Nam của Nguyễn Văn Khang in từ 2001. Cho đến nay, đối với loại phương ngữ xã hội đặc biệt này, nhiều vấn đề lý thuyết chưa được giải quyết và cập nhật, một khối lượng lớn các từ, ngữ lóng chưa được thống kê, xử lý và “giải mã” đầy đủ. Vì thế, nỗ lực của các tác giả biên soạn cuốn Sổ tay từ - ngữ lóng tiếng Việt thật đáng trân trọng.
Trong phần Lời người làm sách, những người biên soạn đã đưa ra một khái niệm tương đối thuyết phục về tiếng lóng; khắc họa diện mạo của từ, ngữ lóng với những đặc điểm riêng biệt; chỉ ra những phương thức cấu tạo của chúng. Việc trình bày quy cách biên soạn cũng như thừa nhận những hạn chế của cuốn sách đã cho thấy tinh thần làm việc hết sức nghiêm túc của các tác giả.
Sổ tay... đã cố gắng tập hợp thật nhiều những từ - ngữ lóng đã và hiện có, giải thích nghĩa, biên soạn các ví dụ và chọn lọc ví dụ từ sách báo, với hy vọng sẽ giúp cho người đọc có thể tra cứu khi cần thiết, chủ động tiếp xúc và tiếp nhận có chọn lọc nguồn bổ sung sống động và tươi mới cho vốn từ vựng của cá nhân và cộng đồng. Ở đây, người đọc sẽ bắt gặp những từ, ngữ lóng thú vị mà họ vẫn dùng thường ngày. Ví dụ, a kay: cay cú; a sê nôn (Arsenal): nôn, ói mửa; chưa đi đến chợ đã hết tiền: chỉ người đàn ông bị xuất tinh sớm; đốm lưỡi: thông minh (khen ai đó kiểu hài hước); em chã: người ngây ngô; gà chiến: gái mại dâm hạng sang; hai phai (hi fi): ái nam ái nữ;... Bên cạnh đó, Sổ tay...cũng tập hợp cả những từ lóng xuất hiện cách đây đã lâu, nay không còn được dùng nữa, chỉ còn trên sách vở. Tất cả sẽ là những cứ liệu cần thiết cho việc nghiên cứu tiếng lóng nói riêng và lịch sử phát triển ngôn ngữ nói chung.
Giáo sư Nguyễn Như Ý khẳng định: “Hiện nay có một thực tế khó có thể phủ nhận là tiếng lóng ngày càng trở nên phổ biến và thâm nhập sâu rộng vào giao tiếp xã hội, đặc biệt là trong ngôn ngữ thường ngày của giới trẻ (...). Trong bối cảnh đó, việc biên soạn những cuốn từ điển, những sưu tập phân loại từ ngữ lóng tiếng Việt hiện nay là hết sức cần thiết và rất cần được khuyến khích"