www.xbook.com.vn
ĐT: - Email: info@xbook.com.vn
SIÊU THỊ SÁCH TRỰC TUYẾN XBOOK
ĐC: Số 46 ngõ 897 Giải Phóng, Q.Hoàng Mai, Hà Nội


THƠ THỤY ĐIỂN (Bìa cứng)

Tác giả: Nhiều tác giả - Dịch giả: Nguyễn Hoàng Diệu Thủy
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Giá bìa:120,000
Giá bán:120,000
Năm xuất bản: Quý II / 2009

Tuyển tập này gần như ôm tròn một thế kỉ: từ Karin Boye (1900-1941), từng là nhà thơ có sách gối đầu giường của những cô gái mới lớn, được rất nhiều thế hệ độc giả yêu mến và tác phẩm được tái bản nhiều lần; cho tới Jenny Tunedal, sinh năm 1970, người tới nay có hai cuốn sách thì lại có vẻ như trái chiều nhau: từ một góc độ nào đó là đại diện cho thơ Thụy Điển sau năm 2000, nhưng từ một góc độ khác lại chẳng tiêu biểu gì cả....

Một trong những lối đánh giá kiểu lược đồ tồn tại dai dẳng đối với thơ Thụy Điển – hay văn học Thụy Điển, hoặc nói chung là cung cách suy nghĩ của người Thụy Điển – ấy là cho rằng choán hết chỗ ở đây là những vấn đề thiên nhiên và thay đổi thời tiết chứ không phải là những chuyện thuộc đời sống đô thị và thuộc trí tuệ. Lối đánh giá ấy quy về thế giới bên ngoài hơn là quy vào bản thân; nặng về bối cảnh hơn là vào văn bản hay liên văn bản; quan tâm đến mặt xã hội nhiều hơn là mặt triết học. Những bài thơ trong tập thơ này vừa khẳng định, vừa bác bỏ kiểu lược đồ ấy. Tất nhiên, ai cũng biết rằng những nhận định chung chung như thế có ích cho ta nhiều nhất cũng bằng sợi dây buộc hai chân ta lại rồi sau đó bảo ta lấy hết sức mà đá. Có điều là chúng ta bao giờ cũng đọc với đôi chút tiền-nhận thức, ngay cả khi không biết gì về tác giả và tác phẩm có nguồn gốc từ một đất nước xa xôi, gần như chẳng có thông tin nào. Đọc, như thế, đôi khi có nghĩa là nhận ra rằng sao mình lại biết ít thế; và cả sự khám phá này cũng là một dạng kiến thức. Đọc là sự nhớ thông qua sự quên. Thơ gần như bao giờ cũng – và điều này có thể lại là một lược đồ vừa phản ánh một loại chân lý nào đó vừa rất dễ bị phủ định – phức tạp hơn bất cứ một phạm trù nào, một nhãn hiệu nào hay một diễn ngôn nào (những thứ tất nhiên cũng đều có sự phức tạp riêng!). Tôi nhấn mạnh điều này như một sự thận trọng đối với những chân dung ngắn gọn của các nhà thơ Thụy Điển in trong sách này, ở đầu mỗi chùm thơ được chọn. Việc tổng kết sự nghiệp một nhà thơ (lại còn gói gọn trong vòng chưa đầy một trang giấy nữa chứ!) chẳng khác nào cố gắng làm một bức tranh vẽ gió.    
Tuyển tập này gần như ôm tròn một thế kỉ: từ Karin Boye (1900-1941), từng là nhà thơ có sách gối đầu giường của những cô gái mới lớn, được rất nhiều thế hệ độc giả yêu mến và tác phẩm được tái bản nhiều lần; cho tới Jenny Tunedal, sinh năm 1970, người tới nay có hai cuốn sách thì lại có vẻ như trái chiều nhau: từ một góc độ nào đó là đại diện cho thơ Thụy Điển sau năm 2000, nhưng từ một góc độ khác lại chẳng tiêu biểu gì cả. Thế nghĩa là tuyển tập thơ này quay trở lại thời gian khi thơ hiện đại chủ nghĩa dần dần xuất hiện ở Thụy Điển, sau đó tiếp tục qua những giai đoạn khác nhau của cái chủ nghĩa hiện đại này (bao gồm cả những phản ứng chống lại nó), cuối cùng trong thập kỷ 80 và về sau, ở nhiều cấp độ, ít nhiều trở thành hậu-hiện đại. Trong thực tiễn văn học, điều đó có nghĩa là sự giải trung tâm và giải cấu trúc, là sự hứng thú với ngôn ngữ phi-thơ (như là thứ ngôn ngữ được sử dụng trong các bản liệt kê, các cuốn sách chỉ dẫn hay sách khoa học), và là một cản trở cho phong cách cá nhân, của khái niệm cái đẹp và tư duy ẩn dụ. Đây mới chỉ nêu lên đôi nét. Nhưng mặt khác, mặc dù độc giả dễ dàng tìm thấy sự khác biệt hoàn toàn giữa những nhà thơ quan trọng sau 1980, những con người hoàn toàn khác nhau, song vẫn có thể coi họ đều là hậu hiện đại, nghĩa là họ phản ánh sự đa dạng của Châu Âu ngày nay.  
Đối với người chủ biên, việc giải thích tiêu chí lựa chọn của một tuyển tập vừa là bắt buộc lại vừa không cần thiết. Một mặt, tuyển tập ấy tự nói lên chính nó. Mặt khác, khoảng cách đáng kể giữa hai nước Việt Nam và Thụy Điển chúng ta đòi hỏi phải có sự giải thích nào đó. Các bài thơ ở đây được tuyển chọn, điều này tôi nhấn mạnh, bởi một nhóm. Nếu ở đây có một nét chung nào đó, thì có thể nói, đó là một tấm chạm khảm, một bức tranh phân mảnh nhưng được đóng khung – trong phạm vi cuốn sách – của thơ Thụy Điển hiện đại, với sự nhấn mạnh vào thời kì cuối thế kỷ XX chứ không phải là đương đại nhất (việc này có thể được làm vào một dịp khác). Như mọi độc giả đều biết, đây chỉ là một trong nhiều bức tranh có thể có; mỗi tuyển tập đều có một tuyển tập khác là cái bóng của nó; và tuyển tập kia đến lượt nó lại có cái bóng khác, cứ thế cho đến vô tận. Rất nhiều nhà thơ lớn không hiện diện ở đây. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì, tuyển tập này bao gồm những nhà thơ Thụy Điển quan trọng nhất của thời hiện đại.
Có một khuôn mẫu chung nào hiển hiện suốt gần một trăm năm, xuyên qua và nằm giữa hai mươi mốt hồn thơ trữ tình này? Liệu có một sự phát triển nào không? Vâng, nếu ai đó ném một nắm ngọc trai ra sàn, bạn sẽ tự khắc tìm kiếm và nhận ra những khuôn mẫu chung. Nhưng bạn cũng sẽ tìm ra cả những cái riêng lẻ và cả những cái dị thường. Tôi trân trọng dành cho bạn đọc khám phá cả hai mặt trái ngược đó, tôi tha thiết muốn bạn đọc giữ cho cả hai phương diện ấy cùng sống bên nhau. Tuy nhiên, với tư cách như thể là người phát ngôn cho đất nước của tôi, là một chiếc cầu dẫu mỏng manh và tạm thời, cầu làm bằng ánh sáng chứ không bằng sắt thép, tôi buộc phải đưa ra một câu hỏi khác cho cả chính mình, với tư cách là một người góp phần làm nên cuốn sách này, và cho cả người đọc chưa quen biết: Liệu có tìm thấy ở đây một chất giọng "Thụy Điển" tiêu biểu, có thể nhận ra được ngay cả ở những nhà thơ có phong cách trái ngược nhau? Điều này có lẽ chỉ có ai không phải người Thụy Điển mới nắm bắt được. Tuy nhiên câu trả lời của tôi là "có": có một "giọng" như thế, và đó là tiếng Thụy Điển. Rõ ràng đây là một vấn đề quá lớn đối với Lời giới thiệu này, nhưng một vài nét chấm phá về tiếng Thụy Điển có thể là thú vị và hữu ích.
Tiếng Thụy Điển có một đặc điểm thường được người nước ngoài nhận xét: đó là tiếng nói “như đang hát” với ngôn điệu phóng khoáng và uyển chuyển. Tiếng nói Thụy Điển giống như cái phong cảnh thay đổi liên tục, với đồi núi, thung lũng, những cánh rừng rậm không chịu bước ra với ruộng đồng bát ngát, những hồ nước lạnh thẫm mầu và những dòng suối ngoằn ngoèo lên xuống, khi dề dà khi chảy siết, lúc chồm lên lúc tỉa tót, chỗ là những hang hốc phụ âm và chỗ bất ngờ với những nguyên âm rộng mở. Những yếu tố này thực sự diễn cảm hơn là ngữ nghĩa, và chúng thay đổi ở từng người nói, ở phương ngữ, ở tâm trạng con người mỗi ngày, v.v... Người nước ngoài học tiếng Thụy Điển thường nhận thấy học ngôn điệu ấy là một trong những điều khó khăn nhất. Thêm nữa, tiếng Thụy Điển cũng có điểm này đặc biệt – hiếm có trong các ngôn ngữ Âu Châu – một số từ có âm và vần giống nhau, dựa trên vô số những thanh điệu  rất tinh tế lại mang những nghĩa khác nhau. Bất kể mức độ quan tâm của một nhà thơ về dạng thức nói hay nhạc tính trong các câu thơ của mình ra sao, chính cái đặc trưng trong âm vang của ngôn ngữ, theo một cách thức nào đó, dĩ nhiên là rất quan trọng. Và đối với nhiều nhà văn, đó là một phương tiện chuyển tải, thậm chí là những điều vặt vãnh, mặc dù điều này có thể không phải lúc nào cũng được thể hiện rõ ràng trong bản dịch.
Một khía cạnh khác, rất quan trọng đối với thơ ca, là tiếng Thụy Điển không phải là ngôn ngữ dễ gieo vần như tiếng Nga hay tiếng Anh. Ngay cả nếu chủ nghĩa hiện đại trong thơ xuất hiện hơi muộn ở Thụy Điển – một đất nước mà người ta hẳn nhớ là ngoại vi đối với lục địa Châu Âu về nhiều mặt – thì những đặc trưng về hình thức của thơ vẫn mang tính chất triệt để khá nhanh. Hoặc nói một cách khác, gieo vần, từ giữa thế kỷ XX trở đi,  trở nên hết sức ít phổ biến (tất nhiên vẫn chưa hoàn toàn biến mất). 
Một tài sản to lớn trên phương diện khác đối với các nhà thơ, là tiềm năng đặc biệt của tiếng Thụy Điển trong việc tạo từ mới - ví dụ bằng cách kết hợp một tính từ với một danh từ, như “vinter” nghĩa là mùa đông, “blå” là màu xanh dương, để có từ vinterblå. Một ví dụ khác: kết hợp “vimpel” nghĩa là dải băng hay lá cờ, và “staden” là thành phố hay thị trấn, để thành từ Vimpelstaden (tên tác phẩm đầu tay của nhà thơ Ann Jäderlund). Ngay cả nếu một sự kết hợp như thế, hoặc dài hơn (không hiếm những trường hợp như vậy), là hoàn toàn mới lạ, thì hầu hết người nói tiếng Thụy Điển đều ngay lập tức hiểu trọn vẹn ngữ nghĩa của từ mới, nhưng đó là một cái trọn vẹn rộng mở cho những nghĩa khác nhau – tùy thuộc vào trọng âm, ngữ cảnh, thời tiết. Và tâm trạng trong ngày.  
Cuối cùng, có một vài nhận xét liên quan đến bản dịch. Gần như tất cả những nhà thơ được mời tham gia trong tuyển tập này (với các nhà thơ đã mất thì chúng tôi cũng tìm cách để có được thơ của họ) đã được dịch ra các ngôn ngữ lớn ở Châu Âu như tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Những bản dịch đó đã được đăng tải trên các sách, báo và tạp chí, theo đó mà dịch sang tiếng Việt. Nhà thơ nào chưa có bản dịch sẵn như vậy (hoặc có một số bài được dịch ra những ngôn ngữ ít phổ biến hơn), thì tôi dịch sang tiếng Anh, sau đó được kiểm tra cẩn thận. Có hai nhà thơ được Mimmi Bergström dịch trực tiếp từ tiếng Thụy Điển sang tiếng Việt.  
Rõ ràng việc dịch thơ theo các tiền lệ đó – từ một ngôn ngữ này sang một một ngôn ngữ khác rồi từ đó sang một ngôn ngữ khác nữa – là vô cùng phức tạp. Dẫu sao, ta cứ phải hình dung rằng việc mất đi một chút gì đó – một nhịp điệu, một sắc thái, một nét mơ hồ hoặc hài hước – có thể lại là được thêm một chút gì đó. Trong quá trình chuyển ngữ, nhiều phẩm chất mới thậm chí vốn không có trong nguyên bản có thể được sáng tạo ra (và cả những cái yếu kém mới mà chúng ta cũng biết cả). Có lẽ cũng nên lưu ý tới điều Tomas Tranströmer từng nói về việc dịch thơ từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác: Viết một bài thơ trước hết là một quá trình dịch. Vì thế chúng ta phải đối mặt với sự bất khả. Tôi muốn thêm rằng, đọc cũng lại là một quá trình dịch nữa. Dịch từ trái tim người này sang trái tim người khác, từ tâm hồn này sang tâm hồn khác, từ một quan điểm sang sự mâu thuẫn với chính quan điểm đó; từ cái thế giới bất tận vào bên trong sự vô cùng tận của mỗi con người